Cơ Sở Lý Luận Về Cấp Dưỡng Trong Hôn Nhân Và Gia Đình là nội dung tiếp theo mà chúng tôi muốn gửi đến các bạn sinh viên, học viên ngành luật, bài viết dưới đây sẽ cho các bạn hiều thêm tại sao trong luật hôn nhân gia đình buộc phải có thêm điều khoản về cấp dưỡng, đặc điểm và ý nghĩa của nó như thế nào?. Bên cạnh việc cung cấp cho các bạn những tài liệu có giá trị, chúng tôi còn mang đến cho các bạn dịch vụ viết khóa luận tốt nghiệp, nếu các bạn gặp khó khăn trong quá trình tìm kiếm đề tài hay triển khai nội dung cho bài viết của mình thì hãy gọi ngay cho chúng tôi Zalo : 0934573149
1. Khái niệm Về Cấp Dưỡng Trong Hôn Nhân Và Gia Đình
Từ xưa tới nay, người Việt Nam luôn coi trọng gia đình và coi gia đình là hạt nhân của xã hội. Bác Hồ đã nói trong buổi hội thảo hôn nhân – gia đình ngày 10/10/1959 rằng: “Quan tâm đến gia đình là đúng và nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, xã hội tốt thì gia đình càng tốt. Gia đình tốt thì xã hội mới tốt. Hạt nhân của xã hội là gia đình”. Điều này một lần nữa khẳng định tầm quan trọng của gia đình đối với xã hội và sự phát triển của đất nước. Gia đình là nơi gắn kết yêu thương giữa những người có cùng huyết thống. Sự chăm sóc, yêu thương, gắn kết tình cảm là điều tất yếu trong gia đình. Điều này không chỉ được xuất phát từ góc độ đạo đức, tình cảm mà còn được pháp luật xác định như một nghĩa vụ.
Được xây dựng dựa trên những giá trị văn hóa truyền thống cũng như bảo vệ quyền và lợi ích của người yếu thế trong xã hội, Hiến pháp 2013 đã ghi nhận như sau: “Trẻ em được gia đình bảo vệ, chăm sóc và giáo dục; người cao tuổi được gia đình tôn trọng và chăm sóc”. Điều luật cũng phản ánh tinh thần chung của những quy định về cấp dưỡng.
Xét trên góc độ ngôn ngữ học, “cấp” có nghĩa là cung cấp, chu cấp. Đặt trong bối cảnh có thể được hiểu là sự chu cấp về tài chính, vật chất. Tương tự, “dưỡng” là sự nuôi dưỡng, dưỡng dục. Như vậy có thể hiểu “cấp dưỡng” là sự chu cấp về mặt tài chính, vật chất để nuôi dưỡng, chăm sóc cá nhân nào đó. Tuy nhiên nếu chỉ hiểu trên phương diện ngôn ngữ học thì chưa thể phân biệt được khái niệm cấp dưỡng và nuôi dưỡng.
Trên phương diện pháp lý, căn cứ khoản 24 Điều 3 Luật HNGĐ 2014, khái niệm cấp dưỡng được hiểu như sau:
“Cấp dưỡng là việc một người có nghĩa vụ đóng góp tiền hoặc tài sản khác để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người không sống chung với mình mà có quan hệ hôn nhân, huyết thống hoặc nuôi dưỡng trong trường hợp người đó là người chưa thành niên, người đã thành niên mà không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình hoặc người gặp khó khăn, túng thiếu theo quy định của Luật này.“
Dựa vào định nghĩa trên quan điểm pháp lý, có thể thấy mối quan hệ cấp dưỡng được hình thành giữa những người có mối quan hệ hôn nhân, huyết thống và nuôi dưỡng. Bên cạnh đó, khái niệm cấp dưỡng được sử dụng khi người cấp dưỡng và người được cấp dưỡng không sống chung với nhau và người được cấp dưỡng không có khả năng tự nuôi bản thân. Đây cũng là đặc điểm để phân biệt giữa cấp dưỡng và nuôi dưỡng. Cuối cùng, nghĩa vụ được thực hiện ở đây là nghĩa vụ về vật chất, tài chính.
2. Đặc điểm Về Cấp Dưỡng Trong Hôn Nhân Và Gia Đình
Cấp dưỡng là nghĩa vụ được thực hiện giữa những người thân thích, có mối liên hệ mật thiết nên mang một số những đặc điểm cơ bản như sau:
Thứ nhất, cơ sở phát sinh NVCD giữa người cấp dưỡng và người được cấp dưỡng là trên ba quan hệ nuôi dưỡng, huyết thống và hôn nhân. Quan hệ nuôi dưỡng được hiểu là quan hệ phát sinh giữa cha mẹ và con cái, bao hàm mối quan hệ giữa cha mẹ nuôi và con nuôi hay cha mẹ đẻ và con đẻ. Mặt khác, quan hệ huyết thống ý chỉ mối quan hệ giữa cha mẹ đẻ và con đẻ hay ông, bà, cô, dì, chú, bác và cháu ruột. Dễ thấy NVCD phát sinh từ các mối quan hệ này là khá phổ biến và tồn tại một cách tự nhiên, xuất phát từ mặt đạo đức và truyền thống lâu đời của người Việt Nam.
Trong khi đó NVCD xuất phát từ quan hệ hôn nhân là đặc biệt hơn cả. Lúc này NVCD lại xuất phát từ những người có quan hệ hôn nhân với nhau, đó là vợ chồng khi ly hôn. Theo đó một bên có NVCD cho bên còn lại trong trường hợp bên đó túng thiếu hoặc có lý do chính đáng. Đây là điểm sáng tạo, thể hiện tư duy đổi mới trong pháp luật về hôn nhân và gia đình của Việt Nam. Bởi lẽ rất nhiều người phụ nữ sau khi kết hôn không độc lập về tài chính, do đó sau khi ly hôn họ không có khả năng tự nuôi sống bản thân mà cần đến khoản cấp dưỡng đến từ người chồng.
Thứ hai, NVCD có tính nhân thân. Tính nhân thân của NVCD được thể hiện ở chỗ được chỉ định và áp dụng cho một chủ thể nhất định mà không được thay thế hay chuyển giao quyền và nghĩa vụ. Đầu tiên, về đặc điểm “không thể chuyển giao”, người cấp dưỡng được xác định phải thực hiện NVCD bằng một bản án hoặc quyết định có hiệu lực pháp luật, đồng thời người được cấp dưỡng cũng được xác định bởi cách thức tương tự. Do vậy người cấp dưỡng không thể chuyển giao NVCD của mình sang cho bên thứ ba khác, tương tự đối với người được cấp dưỡng. Tiếp đến, “không được thay thế” ở đây được hiểu là nghĩa vụ vật chất, tài chính không thể được thay thế bằng một nghĩa vụ khác. Nói cách khác, NVCD chỉ có thể là nghĩa vụ một bên chu cấp vật chất, tài chính cho bên còn lại.
Thứ ba, NVCD mang tính chất về mặt tài sản. Tính chất này có mối liên hệ mật thiết với tính “không được thay thế” đã trình bày ở phần trên. Do NVCD được xác định là nghĩa vụ đóng góp tiền và/hoặc tài sản khác nên NVCD mang tính chất về mặt tài sản. Điều này là tất yếu, bởi lẽ do không sống chung cùng nhau nên phương thức chu cấp vật chất là phương thức thực tế và tiện dụng để bên được cấp dưỡng đáp ứng các nhu cầu cần thiết của mình.
3. Ý nghĩa của cấp dưỡng
Cấp dưỡng là chế định pháp lý được áp dụng phổ biến trong pháp luật hôn nhân và gia đình, đặc biệt là trong những vụ việc ly hôn, do vậy cấp dưỡng có ý nghĩa quan trọng và tác động lên nhiều mặt của cá nhân và xã hội.
Thứ nhất, NVCD nâng cao tính trách nhiệm của người cấp dưỡng. Do điều kiện về hoàn cảnh, địa lý hoặc vì các nguyên nhân khác nhau mà những người thân thích không thể cùng sống chung và chăm sóc nhau. Do vậy khi được yêu cầu thực hiện NVCD, người cấp dưỡng có ý thức trong việc phát triển bản thân để thực hiện đầy đủ và đúng hạn các khoản cấp dưỡng.
Thứ hai, cấp dưỡng là cầu nối duy trì, gắn kết mối quan hệ giữa các bên. Cấp dưỡng là phương thức mà người cấp dưỡng thể hiện sự quan tâm, chăm sóc đến người được cấp dưỡng khi không còn chung sống cùng nhau. Có thể kể đến trường hợp bố mẹ ly hôn, thì người bố/người mẹ có thể thể hiện sự quan tâm, bù đắp đến con cái ngay cả khi không còn chung sống dưới một mái nhà. Trong mối quan hệ cấp dưỡng, bên cấp dưỡng không đòi hỏi bên được cấp dưỡng phải hoàn trả tương đương với những gì đã nhận. Tất cả xuất phát từ tình cảm, tình gắn bó, đạo đức và trách nhiệm giữa những người thân với nhau.
Thứ ba, NVCD thể hiện sự quan tâm, bảo vệ của Nhà nước, pháp luật đối với những đối tượng yếu thế trong xã hội. Đối tượng được cấp dưỡng là những người không có hoặc chưa có đủ khả năng tự nuôi sống bản thân. Do vậy pháp luật quy định những người thân thích khác có đủ khả năng, điều kiện phải có trách nhiệm giúp đỡ, chia sẻ khó khăn đối với những người được cấp dưỡng. Các quy định về cấp dưỡng đã thể hiện sự nhân đạo truyền thống đạo đức tốt đẹp của dân tộc, đồng thời mang tính bắt buộc khi những người có NVCD không chủ động thực hiện nghĩa vụ của mình.
Trên đây là Cơ Sở Lý Luận Về Cấp Dưỡng Trong Hôn Nhân Và Gia Đình sẽ rất có ích cho các bạn trong việc tìm kiếm tư liệu cho bài làm của mình. Hiện wedsite của chúng tôi luôn cập nhật những tài liệu rất bổ ích và hỗ trợ các bạn, nếu các bạn gặp khó khăn, các bạn không có thời gian làm bài hay vì bất cứ lý do gì không thể hoàn thành bài khóa luận tốt nghiệp của mình, thì hãy liên hệ ngay với luanvantot.com để được cung cấp và hỗ trợ dịch vụ viết khóa luận tốt nghiệp.